TIN TỨC & SỰ KIỆN

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Nhân viên kinh doanh
BẢN TIN

Bước trưởng thành của ngành dầu khí Việt Nam

Việc chế tạo và hạ thủy thành công khối chân đế giàn Ðại Hùng 02, nặng 4.800 tấn, lắp đặt ở độ sâu 110 m nước, tại căn cứ lắp ráp trên bờ thuộc Cảng dầu khí Vietsovpetro, một lần nữa khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam. Tất cả các khâu của dự án trọng điểm này đều do các cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị trong nước thực hiện.

anh-tin-tuc
Việc chế tạo và hạ thủy thành công khối chân đế giàn Ðại Hùng 02, nặng 4.800 tấn, lắp đặt ở độ sâu 110 m nước, tại căn cứ lắp ráp trên bờ thuộc Cảng dầu khí Vietsovpetro, một lần nữa khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam. Tất cả các khâu của dự án trọng điểm này đều do các cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị trong nước thực hiện.

 

Ðây là công trình nằm trong dự án phát triển mỏ Ðại Hùng (thuộc lô 05.1A, cách bờ biển phía nam nước ta khoảng 250 km), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ðiều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước làm chủ đầu tư, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) làm tổng thầu. Thông thường, các công trình khai thác dầu khí biển được chế tạo ở nước ta chỉ đáp ứng ở độ sâu không quá 60 m. Trong đó rất nhiều hạng mục quan trọng, phức tạp của công trình phải thuê kỹ sư và chuyên gia nước ngoài thực hiện. Ðây là lần đầu tiên một công trình khai thác dầu khí lớn, làm việc ở khu vực nước sâu hơn 100 m được thiết kế và chế tạo ở trong nước.

Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa công trình dầu khí Vietsovpetro Ðỗ Văn Phúc cho biết: Do khối lượng thi công nhiều cộng với tính phức tạp của công trình, nên xí nghiệp phải huy động một lực lượng lao động rất lớn, có lúc lên đến 600 người của Vietsovpetro và các nhà thầu phụ khác như: PVC-MS, PVC-IC, LILAMA 18/3, Anpha ECC, Getraco... cùng tham gia các hạng mục công trình. Với khối lượng và kích thước lớn, khi thực hiện công trình xây lắp giàn Ðại Hùng 02, xí nghiệp bắt buộc phải thay đổi hoàn toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chế tạo, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt chân đế ngoài biển. Trong quá trình xây lắp chân đế, Vietsovpetro đã phải sử dụng đến bảy cẩu bờ để nâng các panel, đồng thời cải tạo đường trượt chịu tải trọng đến 1.400 tấn/m với sự hỗ trợ của tời tuyến tính để hạ thủy chân đế. Tuy vậy, chỉ sau 17 tháng thi công, với hơn 1,35 triệu giờ lao động an toàn, công tác chế tạo trên bờ đã hoàn tất, khối chân đế giàn Ðại Hùng 02 đã được hạ thủy an toàn để đưa ra lắp đặt ngoài biển. Theo anh Phúc, việc lắp đặt chân đế ngoài biển cũng có nhiều thay đổi, theo đó các đơn vị thi công không dùng phương pháp truyền thống dùng tàu cẩu để nâng - hạ chân đế mà dùng phương pháp mới phóng chân đế từ sà-lan xuống biển. Ðể thực hiện công nghệ mới này, Vietsovpetro đã tiến hành hoán cải sà-lan VSP-05 để vận chuyển và đánh chìm chân đế giàn Ðại Hùng 02.

Cùng với dự án phát triển mỏ Ðại Hùng, một dự án khai thác dầu khí trọng điểm khác cũng đang được triển khai tại cảng dầu khí Vietsovpetro, đó là dự án Biển Ðông. Dự án sẽ thiết kế chế tạo hai giàn cố định Hải Thạch và Mộc Tinh để khai thác các mỏ khí ở các lô 05-1, 05-2 và 05-3 trên thềm lục địa phía nam Việt Nam, có độ sâu nước biển từ 115 đến 140 mét. Ðây là các công trình biển cố định ở độ sâu lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay. Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa công trình dầu khí của Vietsovpetro, với kinh nghiệm và năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng công trình biển đã được Công ty điều hành dầu khí Biển Ðông (POC) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giao chủ trì thực hiện chế tạo và lắp đặt các hạng mục quan trọng nhất trong dự án này. Ngày 4-4 vừa qua, panel chính của khối chân đế giàn Mộc Tinh đã được đấu nối thành công vào các mặt ngang bảo đảm độ chính xác theo thiết kế. Theo Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến, tính đến thời điểm hiện tại, giàn Mộc Tinh là giàn cố định lớn nhất được triển khai xây dựng bằng năng lực của các nhà thầu trong nước. Công trình có tổng trọng lượng hơn 13.000 tấn kết cấu kim loại. Trong đó, khối chân đế nặng khoảng 6.200 tấn, gồm bốn panel chính, hai panel phụ và bảy mặt ngang; các cọc nặng 3.700 tấn, khối thượng tầng nặng 2.800 tấn, khối sân bay và block nhà ở nặng 420 tấn, cần đuốc nặng 200 tấn, dự kiến sẽ được hoàn tất công việc chế tạo trên bờ để hạ thủy vào tháng 7-2011. Ðây là những dự án lớn, góp phần quan trọng vào việc duy trì và gia tăng sản lượng khai thác dầu, khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ngay trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Việc Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro cùng các nhà thầu trong nước thiết kế, chế tạo và hạ thủy thành công khối chân đế giàn Ðại Hùng 02 và tới đây là giàn Mộc Tinh, những công trình khai thác dầu khí tại vùng nước sâu lớn và hiện đại nhất từ trước đến nay, khẳng định bước đột phá mới về năng lực và công nghệ xây lắp các công trình khai thác dầu khí biển ở độ sâu hơn 100 mét nước, của các nhà thầu trong nước. Ðây cũng là sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân dầu khí Việt Nam, khẳng định uy tín và năng lực của các đơn vị trong ngành dầu khí trong quá trình thực hiện vai trò tổng thầu các dự án lớn.

 

 
Các mục liên quan